Hướng dẫn từ nhân sự để giúp bạn có 1 CV thỏa mãn được nhu cầu của HR.
Sau bài viết trước “Tại sao phải viết CV cho ‘đúng’?”, hôm nay mình sẽ nói về việc viết CV thế nào cho “đúng”. “Đúng” ở đây không có ranh giới phân định trắng đen rõ ràng mà phụ thuộc rất nhiều vào thị trường lao động, mắt nhìn của người đọc CV cũng như thuật toán của các chương trình trí tuệ nhân tạo phân tích CV nữa. Vậy nên, những điều mình đề cập có thể được hiểu là những điều được chấp nhận rộng rãi, không chỉ để đáp ứng phần mềm đọc CV mà còn đáp ứng cả mắt nhìn của nhà tuyển dụng chỉ trong vài giây. Bởi vì luật bất thành văn trong viết CV nhiều quá trời nhiều luôn, nên mình sẽ chỉ kể ra thôi và cố gắng hạn chế giải thích dài dòng. Mình có đính kèm CV của bản thân để các bạn dễ hình dung và mình cũng dễ minh hoạ.
Và đây là 16 điều bạn cần lưu ý khi viết CV:
- Nguyên tắc của trình bày CV là đảm bảo nhà tuyển dụng có thể tìm thấy thông tin họ muốn tìm trong thời gian vài giây trên hồ sơ của bạn. Do vậy, bạn cần viết CV riêng cho từng vị trí ứng tuyểnđể chỉ đề cập những điều liên quan nhất thôi.
- Chắt lọc tối đa thông tin có thể bằng cách chỉ viết CV trong 1 trang, trừ phi bạn làm trong mảng nghiên cứu (academia) hoặc bạn có ít nhất 5 – 7+ năm kinh nghiệm. Chỉ truyền đạt những điều liên quan nhất và thông điệp bạn muốn truyền tải, hạn chế đưa ra quá nhiều ngữ cảnh, quá nhiều chi tiết, hay quá nhiều thông tin không tập trung vào vị trí ứng tuyển.
- Đảm bảo CV của bạn được trình bày sạch sẽ. Dùng các font cơ bản như Calibri, Arial, Georgia, v.v… Cỡ chữ đối với nội dung để tối đa 12, tối thiểu 10. Mốc thời gian nên để bên phải còn nội dung thì bên trái (tên công ti, vị trí bạn đã làm hoặc tên trường, tên bằng cấp của bạn) bởi vì chúng ta đọc từ trái qua phải từ trên xuống dưới nên điều đầu tiên họ thấy sẽ là những điều quan trọng nhất.
- Phần thông tin bản thân chỉ nên để số điện thoại và email để nhà tuyển dụng có thể liên hệ với bạn một cách tiện nhất. Những thông tin khác nếu nhà tuyển dụng cần họ sẽ hỏi bạn vì đa số là thông tin thứ yếu, trừ phi họ nêu rõ trong miêu tả công việc là bạn cần đề cập những thông tin nào về bản thân trong CV. CV của mình trong phần thông tin cá nhân có cả yếu tố mình có giấy phép lao động tại UK bởi vì điều này sẽ rất dễ dàng để nhà tuyển dụng lọc hồ sơ ứng viên nào cần được bảo trợ giấy phép lao động và ứng viên nào không cần.
- CV 3 phần là CV dễ đọc nhất, bao gồm Experience / Education / Additional information. Ghi Experience là để bạn có thể đưa tất cả mọi thứ vào chỗ này, bao gồm cả các hoạt động ngoại khoá. Tất cả mọi thứ không nằm trong Experience và Education thì đưa vào Additional information.
- Thứ tự viết CV dễ hiểu nhất là từ mới đến cũ. Nếu bạn đang đi học hoặc đang thực tập là một phần trong chương trình học, hãy để mục Education lên trước Experience. Nếu bạn đã tốt nghiệp và đã có kinh nghiệm đi làm sau tốt nghiệp thì viết ngược lại. Cái gì mới nhất thì để lên trước, bởi chỉ với vài giây đọc CV, nhà tuyển dụng sẽ không tập trung phân tích sắp xếp các mốc thời gian trên CV của bạn. Nếu là sinh viên sắp ra trường mà bạn để Experience lên trước, trong vài giây nhà tuyển dụng sẽ có ấn tượng là bạn đã ra trường đi làm rồi và nếu những chi tiết trong phần Experience của bạn không đủ ấn tượng trong vài giây đó, thế là tạch =))) Nếu bạn đã ra trường 1 – 2 năm rồi mà vẫn để Education lên trước, nhà tuyển dụng sẽ có ấn tượng trong vài giây là hoá ra trong 1 – 2 năm vừa rồi bạn không có công việc gì đủ ảnh hưởng để đặt lên trước à mà vẫn để Education, lại tạch =)))
- Bạn chỉ nên viết những điều có thông điệp cụ thể trong phần Education. Hãy viết GPA vào, trừ phi GPA của bạn thấp. Dù chỉ là một con số, trong rất nhiều ngành, GPA lại là thông điệp để lại ấn tượng đầu tiên, đặc biệt đối với sinh viên mới ra trường. Mình viết các môn mình học điểm cao bởi mình học Quản trị khách sạn nhưng xin việc trái ngành qua nhóm ngành Tài chính, và các môn này liên quan đến việc chuyển ngành của mình. Mình viết chủ đề luận văn tốt nghiệp của mình vì cùng lí do.
- Đừng quên mục đích bạn gửi CV là để nhà tuyển dụng mời bạn phỏng vấn chứ không phải để bạn được nhận vào làm việc, nên bạn cần viết làm sao để nhân sự cảm thấy họ muốn nói chuyện với bạn để hiểu thêm về bạn và hiểu thêm về sự phù hợp của bạn với vị trí ứng tuyển. Có 3 điều quan trọng bạn nên viết trong các mục chi tiết, là trách nhiệm của bạn, thành tựu của bạn, và tại sao họ nên có bạn trong đội ngũ nhân lực. Nên nhớ, CV không phải là nơi bạn liệt kê tất cả mọi thứ bạn đã làm mà là chứng tỏ bản thân có thể đáp ứng được công việc. Bạn chỉ nên viết các trải nghiệm phù hợp và liên quan tới vị trí ứng tuyển, tránh viết như sao chép lại từ mô tả công việc.
- Cụ thể hoá những điều bạn viết qua các con số, nếu trách nhiệm của bạn là tối đa hoá doanh thu của công ti thì bạn đã làm gì và hành động của bạn cải thiện được doanh thu bao nhiêu %, nếu trách nhiệm của bạn là đào tạo nội bộ để nhân viên luôn làm việc trong trạng thái tốt nhất thì bạn đã sắp xếp được bao nhiêu buổi đào tạo cho bao nhiêu người, v.v…
- Chú ý ngôn ngữ trên CV. Không viết cả đoạn văn dài. Luôn bắt đầu chấm đầu dòng bằng một động từ. => Không viết câu hoàn chỉnh bao gồm chủ ngữ vị ngữ đầy đủ, 1 là để tiết kiệm chỗ và 2 là để đảm bảo chắt lọc thông tin cần thiết. Luôn chia động từ ở thì quá khứ đơn vì CV là nơi bạn viết những điều bạn đã làm. Hạn chế lặp từ.
- Có rất nhiều thứ bạn tưởng bạn cần nhưng thực ra là không cần thiết, như là chữ “CV” hay “curriculum vitae”, ngày tháng năm sinh và tuổi, tình trạng hôn nhân, địa chỉ nhà, kĩ năng và bạn tự chấm điểm (trừ ngôn ngữ), người tham khảo hay cụm từ “references available upon requests”, những sở thích siêu cliché như du lịch, đọc sách, xem phim, nghe nhạc, v.v… Nếu muốn viết về sở thích, hãy viết một cách cụ thể và/hoặc chỉ viết khi nó đặc sắc, như các sở thích của mình đều có con số chứng minh, hoặc bạn có thể ghi bạn thích xem phim nếu gu phim của bạn đặc biệt như phim Pháp giai đoạn 1940-1960, ví dụ vậy. Nếu đánh giá kĩ năng, bạn cần có bằng chứng cụ thể. Nếu không có bằng chứng cụ thể, bạn nên hạn chế ghi vào, trừ ngoại ngữ có thể linh hoạt một chút.
- Bỏ hoàn toàn các kĩ năng mà bạn đang đánh sao, chấm điểm dưới N loại hình thức khác nhau vì nó không nói lên cái gì cả.
- Đánh giá kĩ năng ngoại ngữ bạn chỉ nên cân nhắc 3 mốc: fluent, intermediate và basic. Mình ghi thành thạo tiếng Anh bởi mình du học bằng tiếng Anh và mình có IELTS 8.0, mình ghi thành thạo tiếng Pháp vì mình học tiếng Pháp 9 năm và làm Front Office ở các khu vực nói tiếng Pháp và mình có bằng B2, mình ghi tiếng Đức intermediate vì mình có bằng B1. Bạn có thể ghi fluent nếu kĩ năng viết và nói của bạn ở trình độ B2 trở lên, intermediate là B1, và basic là từ A2 trở xuống. Nếu bạn không có chứng chỉ liên quan thì có thể nhờ 1 người nào đó (tốt nhất là người bản địa có kiến thức về các trình độ ngôn ngữ) đánh giá cho.
- CV có ảnh hay không thì tuỳ thị trường và tuỳ ngành nghề. Nếu công việc yêu cầu ngoại hình và viết rõ trên mô tả công việc thì bạn nên để ảnh vào. Nếu đã để ảnh thì đảm bảo hình phải chuyên nghiệp, ví dụ như phông nền đằng sau hoặc là 1 màu xám hoặc trắng, hoặc là phông nền phong cảnh thì đã được làm hiệu ứng làm mờ. Bạn nên viền ảnh của bạn lại nếu nền ảnh và nền CV khác màu vì trông sẽ sạch hơn nhiều.
- Nếu bạn thiết kế CV theo một phong cách nhất định, hãy chọn một bảng màu thật trung tính. Nếu bạn không cần chứng minh kĩ năng thiết kế thì theo mình bạn không cần màu mè CV làm gì. Tất cả các môi trường liên quan đến kinh doanh quản trị đều dùng phong cách CV trắng đen đơn giản trong MS Word. Tất cả các trường danh tiếng nhất thế giới như Harvard, Oxford, Cambridge, v.v… đều khuyến cáo sinh viên dùng CV dạng này.
- Trước khi nộp CV đi có rất nhiều thứ bạn cần kiểm tra trên CV của mình. Tên của bạn có đập ngay vào mắt người đọc không? Trông CV của bạn có gọn gàng sạch sẽ đẹp đẽ không? Bạn có viết sai chính tả hay ngữ pháp không? Bạn đã cố gắng cân đo đong đếm mọi mục hết chưa?
Nếu CV của bạn quá trống thì hãy bắt tay vào trải nghiệm và xây dựng nền tảng cho CV ngay điiiiii. và đây là 1 mẫu CV được rất nhiều các anh chị HR đánh giá cao từ fomat đến nội dung:
Các bạn có thể booking chuyên gia trên Pixie để có thể cá nhân hóa tư vấn CV và định hướng nghề nghiệp: